Đô thị mới Thủ Thiêm - Tầm cỡ và hiện đại trong tương lai

1683 Lượt xem

Khu đô thị mới Thủ Thiêm (KĐTMTT) với chức năng là trung tâm tài chính, ngân hàng, thương mại, dịch vụ cao cấp của thành phố, sẽ có những công trình mang tầm vóc khu vực như quảng trường, sân vận động, công trình văn hóa. Các cơ sở nghỉ ngơi, giải trí của thành phố cũng sẽ mọc lên bên bờ sông Sài Gòn này... Như phố Đông của Thượng Hải, đô thị mới này sẽ có tác động rất lớn đến sự phát triển của TPHCM và vùng lân cận.


HIỆN ĐẠI,  SẠCH VÀ XANH


Toàn bộ KĐTMTT được xây dựng trên diện tích 737ha, có vị trí đắc địa là được dòng sông Sài Gòn ôm gọn trong lòng, được quy hoạch phục vụ cho tổng số dân là 130.000 người tại chỗ, 350.000 người làm việc/ngày và khách vãng lai trên 1.000.000 người/ngày. Trong toàn bộ diện tích mặt bằng, sẽ có 657ha được quy hoạch mới hoàn toàn, 80ha là khu đô thị hiện hữu được chỉnh trang lại. Diện tích tự nhiên của KĐTMTT gồm các phường An Khánh, Thủ Thiêm, An Lợi Đông, Bình An và phường Bình Khánh thuộc quận 2. Toàn bộ khu đô thị được chia thành 5 khu chức năng: khu lõi trung tâm với chức năng chủ yếu là khu tài chính, thương mại, dịch vụ; khu đa chức năng dọc theo Đại lộ Đông Tây; khu dân cư phía Bắc; khu dân cư phía Đông; khu ngập nước phía Nam phục vụ nhu cầu du lịch, giải trí và bảo vệ môi trường.

Theo quyết định phê duyệt quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ, các phân khu chức năng của KĐTMTT sẽ chiếm tỉ lệ như sau: khu công viên trung tâm 95ha, bao quanh sẽ là khu trung tâm thương mại, tài chính ngân hành, dịch vụ chiếm 92ha. Trung tâm dành cho hội chợ, triển lãm quốc tế chiếm 100ha, khu nhà cao cấp chiếm 55ha, trung tâm văn hóa, du lịch và giải trí chiếm 100ha và trung tâm hành chính là 18ha, đất giao thông 177ha. Như vậy, bao quát toàn bộ khu đô thị là diện mạo hoàn toàn mới, hiện đại và đặc biệt là hài hòa về kiến trúc, đảm bảo sử dụng tối ưu điều kiện tự nhiên hiện tại của bán đảo này. Chỉ có lõi trung tâm được xây dựng cao ốc đến 40 tầng, còn lại được khống chế dưới 32 tầng.

Điểm nhấn của khu đô thị là quảng trường thành phố lần đầu tiên sẽ được xây dựng tại đây, là trái tim của khu đô thị và các công trình xung quanh, là “cổng chào” của trung tâm. Quảng trường được thiết kế với kiến trúc không gian mở, sống động, đa năng, hài hòa với các công trình xung quanh, có độ cao phù hợp với khí hậu nhiệt đới, thuận tiện cho du khách đến với quảng trường, có mối liên hệ hữu cơ với tổ hợp trung tâm hội nghị và triển lãm quốc tế. Quảng trường được xây dựng với không gian từ bờ sông Sài Gòn đến hồ trung tâm, sử dụng tối đa lợi thế mặt nước tại tại khu vực để tạo nên sự độc đáo của quảng trường. Trong khi đó, khu thương mại và tài chính là hạt nhân của trung tâm, có không gian sống động, kết hợp kiến trúc đa dạng và sẽ tận dụng cảnh quan khu vực quảng trường trung tâm để phát triển.

Khu trung tâm hội nghị, triển lãm quốc tế được thiết kế với những công trình kiến trúc độc đáo, có giá trị nghệ thuật và lịch sử, mang dấu ấn công trình thế kỷ của thành phố, đáp ứng được nhu cầu về chính trị, ngoại giao, văn hóa, kinh tế xã hội, phục vụ quá trình hội nhập của thành phố và đất nước, xứng tầm với khu vực và thế giới. Theo lời ông Nguyễn Quý Hòa, Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc thành phố: “Tôi khẳng định chắc chắc rằng, đây sẽ là một khu đô thị hiện đại mang màu sắc Việt Nam, và nó sẽ hiện đại gấp hai lần khu đô thị Phú Mỹ Hưng hiện tại của chúng ta”. 

ĐÁNH THỨC DÒNG SÔNG “VÀNG”
Khi đưa ra yêu cầu quy hoạch KĐTMTT, các nhà quản lý, chuyên gia đã quan tâm đặc biệt đến địa thế của bán đảo Thủ Thiêm, vốn được bao quanh bởi dòng sông Sài Gòn uốn lượn rất đẹp mà lâu nay gần như bị bỏ quên (hoặc chưa đủ khả năng để khai thác). Trong khi nhiều thành phố trên thế giới khi quy hoạch phát triển đều sử dụng tối đa lợi thế của những con sông chảy qua thành phố, thì sông Sài Gòn lâu nay chỉ mới được tận dụng có... một bên. Nay, bản đồ án quy hoạch KĐTMTT của Công ty Sasaki Associates, Ins (của Mỹ) đã thật sự đánh thức nét kiêu sa của đoạn sông Sài Gòn chảy qua đây, dòng sông được mô tả là trái tim của trung tâm thành phố, nối liền trung tâm hiện hữu với khu đô thị mới. 

Toàn bộ địa hình tự nhiên do sông Sài Gòn tạo ra đối với bán đảo này đều gần như được giữ nguyên hiện trạng và chỉnh trang thêm phần sang trọng thoáng mát cho toàn bộ khu đô thị. Như các con rạch, ao hồ, vùng trũng hiện tại đều không bị san lấp để lấy mặt bằng như nhiều khu đô thị mới trước đây gặp phải mà được dùng làm không gian “trang trí” cho toàn khu đô thị hiện đại. Ở đó sẽ là hồ, là những công viên thoáng, đẹp, xanh, tô điểm cho những cao ốc, công trình xây dựng hiện đại. Toàn bộ bờ sông Sài Gòn đều được xây dựng công viên, khu du lịch, vui chơi giải trí... để tạo độ thoáng tối đa cho bờ sông và toàn bán đảo Thủ Thiêm, không để khu đô thị bị “ngợp”, tù túng.

Đồ án quy hoạch của Sasaki là sự hoàn hảo trong việc tận dụng địa thế tự nhiên của KĐTMTT, giải được bài toán lo ngại của nhiều nhà khoa học lâu nay. Lo ngại đó là KĐTMTT sẽ bị “xé nát” quy hoạch, nhất là đối với sông Sài Gòn. Đây chính là ưu thế vượt trội dẫn đến bản đồ án thiết kế KĐTMTT của Sasaki vuợt qua được một loạt các đồ án khác trong cuộc thi do UBND thành phố tổ chức trước để được chọn. Dòng sông Sài Gòn sẽ thực sự được đánh thức, là trái tim của trung tâm thành phố hiện hữu và trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm, giống như con sông Hoàng Phố, nối đôi bờ phố Tây và phố Đông của thành phố Thượng Hải (Trung Quốc).


 

MẠNG GIAO THÔNG HOÀN HẢO
 

KĐTMTT có hệ thống giao thông kết nối hoàn hảo từ trung tâm quận 1, Bình Thạnh, quận 2, quận 4, quận 9, và cả với hướng Nhơn Trạch (Đồng Nai). Bài toán giao thông hoàn toàn được tính toán kỹ, không để tình trạng “mịt mù” về giao thông như trong nội thành hiện tại. Theo thiết kế, sẽ có bốn cầu và một đường hầm nối từ quận 1, quận 4, Bình Thạnh qua Thủ Thiêm. Hiện, cầu Thủ Thiêm nối từ quận Bình Thạnh và hầm chui Thủ Thiêm nối từ quận 1 (trên trục đại lộ Đông Tây) đang được thi công. Bán đảo Thủ Thiêm sẽ được kết nối với đô thị trung tâm hiện tại bằng những chiếc cầu như bàn tay xòe ra, tạo sự thông thoáng về giao thông. Phía quận 2, đại lộ Đông Tây đang trong giai đoạn hoàn thành. Đại lộ này sẽ kết nối với đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây, tạo sự kết nối với bên kia bờ sông Đồng Nai. KĐTMTT sẽ gần với Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu hơn với con đường này. Hiện cầu Cát Lái cũng bắt đầu được xây dựng. Không những thế, khi đô thị này được xây dựng, cũng là lúc Sân bay quốc tế Long Thành (cách Thủ Thiêm khoảng 35km, xấp xỉ khoảng cách từ Hà Nội ra sân bay Nội Bài) được đưa vào sử dụng, tạo nên sự thuận tiện cho việc đi lại. Đường bộ, đường thủy, đường hàng không đều bên cạnh Thủ Thiêm, chỉ cần thêm tuyến đường sắt nữa, giao thông của Thủ Thiêm sẽ trở nên hoàn hảo. Theo quy hoạch, dự án nâng cấp mở rộng tuyến đường sắt Bắc - Nam vừa được Bộ Giao thông - Vận tải trình Chính phủ xem xét trị giá hơn 30 tỷ USD, thì nhà ga sẽ nằm ở khu vực giáp phía Bắc của KĐTMTT. Việc đi lại bằng đường sắt (theo quy hoạch thì thời gian tàu chạy từ TPHCM đi Hà Nội chỉ còn khoảng 10 tiếng đồng hồ) cao tốc sẽ mở thêm một hướng giao thông vô cùng thuận tiên để cùng với các loại hình giao thông khác thu hẹp khoảng cách Thủ Thiêm với cả nước và thế giới để phát triển.

 

(Theo Trung sơn - Báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh)

Tin mới nhất
Quảng cáo
http://thuthiemnewcity.vn/du-an/can-ho-tara-residence-quan-8-136.html

Tin tức khác

Về đầu trang